Tổng hợp các món ăn ngày tết cổ truyền ở Việt Nam

1458

Còn ít nữa thôi là Tết lại về rồi, đây là ngày mà cả gia đình được xum họp bên mâm cỗ tết truyền thống. Dưới đây phongthuycanbiet.net sẽ chia sẻ cho bạn biết các món ăn ngày tết cổ truyền của Việt Nam nhé!

Các món ăn ngày tết miền Bắc

Các món ăn ngày tết miền Bắc
Các món ăn ngày tết miền Bắc

Bánh chưng

Bánh chưng xanh là món ăn đầu tiên mà chúng ta không thể bỏ qua khi nhắc đến các món ăn ngày Tết cổ truyền của người miền Bắc, là sự kết tinh của đất trời qua bàn tay khéo léo của conn. Ngày nay, khi xã hội ngày một phát triển, nhiều gia đình không còn có thói quen gói bánh chưng như xưa nhưng bánh chưng được mua về cũng luôn là loại ngon nhất. Sự kết hợp của lớp vỏ dẻo thơm cùng thịt, đỗ xanh, hạt tiêu mang đến những hương vị vô cùng đặc biệt.

 Dưa hành

Dưa hành thường được nhắc đến như một món ăn kèm cùng bánh chưng xanh cũng như với một số món ăn đặc trưng khác gồm có thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc…. Món ăn có vị chua, cay dịu nhẹ sẽ giúp chúng ta tận hưởng được vị ngon của những món ăn khác cũng như giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.

Xôi gấc

Theo kiến thức phong thủy thì màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc, vì vậy trong các ngày rằm, ngày lễ đặc biệt là ngày Tết đến sẽ có 1 đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp.

Thịt nấu đông

Một món ăn ngon ngày tết đặc trưng của mùa đông ở miền Bắc đó là thịt đông, tiết trời se lạnh mà thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác rất lạ nhưng lại hấp dẫn người ăn.

Gà luộc

Mâm cỗ của người Việt nói chung và người miền Bắc nói riêng không thể vắng bóng đĩa thịt gà. Người ta thường chọn gà vườn trong việc cúng kiến và ăn uống đầu năm bởi thịt gà thả vườn thường chắc thịt, thơm và ngọt. Gà có thể cúng nguyên con hoặc gà chặt xếp ra đĩa. Vị ngọt thơm của thịt gà ăn kèm lá chanh, chấm gia vị chanh ớt luôn tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.

Giò lụa, giò thủ

Trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam, giò lụa luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là một trong những món ăn không thể thiếu. Chả lụa là món ăn làm từ thịt lợn được giã nhuyễn trong cối đá, gói bằng lá chuối và luộc chín. Khi sử dụng, chả lụa được thái thành khoanh tròn và bày lên dĩa. Những miếng chả lụa trắng mịn, vị ngọt, giòn dai.

Nem rán

Nem rán một món ăn độc đáo không chỉ quen thuộc ở bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết miền bắc. Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Bắc

Các món ăn ngày tết miền Trung

Bánh tét

Các món ăn ngày tết miền Trung
Các món ăn ngày tết miền Trung

Nếu như miền Bắc có bánh chưng, thì miền Trung và miền Nam có bánh Tét là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể ví bánh Tét như bánh chưng hình trụ, và gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn, lột vỏ và dùng dây lạt “tét” bánh ra thành từng miếng. Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản, chỉ bao gồm nếp, nhân đậu và chút thịt. Nhờ vào sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon thấm thía của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được chiên giòn lên ăn, rất ngon lành.

Nem chua

Nem chua một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Nem được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Những miếng nem có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay.

Bánh tổ

Bánh tổ là một món ăn đặc biệt, là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp và đường. Thường món ăn này được làm nhiều một lúc để sử dụng dần. Khi ăn, có người thích xắt từng miếng và thưởng thức ngay lập tức. Trong khi đó, có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi hoặc chiên với dầu đậu phộng.

Dưa món

Miền Bắc có món dưa hành, với người miền Trung dưa món là lựa chọn không thể thiếu để ăn kèm với bánh tét, thịt kho. Dưa món làm từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu… ngâm cho đến khi có vị chua mặn, giòn giòn là ăn được.

Thịt heo ngâm mắm

Người miền Trung rất ưa những món đủ vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, trong đó có thịt heo ngâm nước mắm. Thịt heo luộc chín, đem ngâm ngập trong hũ nước mắm pha đường chừng 3 ngày cho ngấm rồi lấy ra ăn cùng rau thơm, rau sống, dưa món và củ kiệu chua ngọt.

Các món ăn ngày tết miền Nam

Các món ăn ngày tết miền Nam
Các món ăn ngày tết miền Nam

Bánh tét

Món bánh tét ở miền Nam là một món ăn vô cùng đa dạng về cả màu sắc lẫn hương vị khác nhau. Với mỗi một loại bánh lại có nguyên liệu cùng tạo hình và nhiều màu sắc mới lạ. Nếu bạn được thưởng thức món bánh tét là món ăn ngày tết miền Nam thì bảo đảm bạn sẽ thích mê với hương vị tuyệt ngon của nó. Bánh sẽ được làm từ nhiều loại nguyên liệu: lá cẩm, gạo nếp, dừa nạo, đậu đen, đậu đỏ… mà nhiều người còn tao nên những chiếc bánh hình hoa mai, chữ Phú hay chữ Thọ để mang lại may mắn cho cả gia đình trong ngày tết này.

Dưa kiệu muối

Miền Nam món ăn này thường có vị chua và ngọt nhiều hơn cũng như được muối kèm cùng nhiều loại nguyên liệu khác như cà rốt và su hào giúp dưa món đa dạng hơn. Dưa kiệu muối với đường nhanh lên men và có độ giòn dai rất hấp dẫn. Cách muối vô cùng đơn giản và chỉ sau 2 đến 3 ngày là có thể thưởng thức được ngay. Dưa kiệu muối giúp cho ngày tết thêm ngon miệng và bớt ngán hơn rất nhiều. Món này có thể ăn kèm với rất nhiều món ăn khác trong ngày tết vô cùng thú vị.

Thịt kho

Một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết là món thịt kho hay còn gọi là thịt kho hột vịt hoặc thịt kho nước dừa và chỉ có ở miền Nam mới có cách nấu thịt kho ngon, hấp dẫn không ai sánh bằng. Thịt kho là thịt ba rọi thái miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt…Thịt được nấu sôi với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc chín vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được. Món thịt kho này được ăn kèm với cơm trắng và dưa giá sẽ thật là tuyệt.

Canh khổ qua

Cùng với món ăn ngày Tết, món canh khổ qua cũng là một món ăn không thể thiếu của người dân đất phương Nam. Có tô canh khổ qua trên mâm cỗ tạo cho gia đình một sự yên tâm về mặt tâm lý, vì món canh khổ qua có ý nghĩa là niềm hy vọng về một năm mới mọi sự suôn sẻ, may mắn, mọi khó khăn vất vả của năm cũ sẽ qua đi.

Canh khổ qua có vị ngọt thanh nhẹ, hơi nhẫn đắng, canh khổ qua còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp giải “ngán” khi ăn các món ăn nhiều đạm, nhiều chất béo trong ngày Tết. Loại quả này rất bình dị, dân dã, dễ trồng, cách chế biến đơn giản, chỉ cần vài quả khổ qua tươi, nạo bỏ hột, thịt băm nhỏ trộn với mọc hoặc sang hơn thì dùng cá thác lác nhồi vào bên trong rồi dùng nước hầm xương để nấu là đã hoàn tất món ăn, đơn giản đúng như cái chất mộc mạc của người dân Nam bộ.

Dưa giá

Với đặc tính mát, vị giòn ngon nên món dưa giá được rất nhiều người lựa chọn để giải nhiệt trong những ngày Tết. Dưa giá ăn cùng với cơm, cuốn bánh tráng, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm trong ngày Tết. Thành phần chủ yếu tạo nên món dưa giá bao gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể.

Trên đây là các món ăn ngày tết đặc trưng của 3 miền nước ta. Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của mỗi gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.